28/02/2022

Giá vàng hôm nay 28-2: Giá vàng thế giới “nhảy vọt”, trong nước biến động nhẹ

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới rạng sáng 28-2 (giờ Việt Nam) tăng vọt với vàng giao ngay niêm yết tại Kitco tăng 36,4 USD/ ounce lên mức 1.925,4 USD/ ounce so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước.

Giá vàng thế giới trong tuần trước đã bứt phá lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2020 là 1.976,5 USD/ ounce. Tuy nhiên, kim loại quý này đã không thể duy trì được đà tăng và “lao dốc” xuống dưới mức 1.900 USD/ ounce mặc dù có nhiều yếu tố hỗ trợ như vẫn chưa có giải pháp nào cho căng thẳng ở Ukraine và tình trạng lạm phát ngày một tăng cao. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.885,4 USD, giảm 13,7 USD so với chốt phiên giao dịch tuần trước. Vàng giao ngay đã giảm 11,1 USD xuống còn 1.889 USD/ ounce so với tuần trước. 

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân giá vàng giảm nhanh khi căng thẳng ở Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt là do các nhà đầu tư đã nhận thấy được tâm lý lo ngại rủi ro trên thị trường đã ở mức đỉnh điểm. Điều này dự đoán sẽ tiếp tục tác động đến biến động của thị trường vàng trong tuần này.  

Giá vàng hôm nay 28-2: Giá vàng thế giới “nhảy vọt”, trong nước biến động nhẹ

Giá vàng thế giới rạng sáng 28-2 (giờ Việt Nam) tăng vọt.

Liên quan đến vấn đề lạm phát, các chuyên gia đánh giá lạm phát như con dao hai lưỡi tác động đến thị trường kim loại quý. Vàng từ lâu đã được coi là tài sản trú ẩn để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng, nó sẽ tạo thêm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để tăng lãi suất, điều này có tác động tiêu cực tới thị trường vàng và khiến giá vàng sụt giảm.

Trong tuần qua, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố lạm phát ở nước này đã tăng 0,6% trong tháng đầu năm 2022, đây là mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1982, lên 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây, báo cáo CPI của chính phủ (bao gồm năng lượng và thực phẩm) cũng cho thấy lạm phát đã tăng vọt lên 7,5%, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1982. Áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nếu căng thẳng ở Ukraine kéo dài bởi Nga hiện sản xuất khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu. Tuần trước, trước diễn biến ở Ukraine, giá dầu thô kỳ hạn đã vượt trên 100 USD/ thùng trước khi giảm xuống còn trên 93 USD/ thùng. Ngoài ra, có khả năng cao chi phí thực phẩm tiếp tục tăng cũng sẽ làm lạm phát gia tăng.

Trước tình trạng lạm phát ngày một tăng cao, nhiều quan chức của Fed sau đó đã xác nhận họ có kế hoạch tăng lãi suất lên 0,25% và bắt đầu tiến hành nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 3-2020. Theo công cụ FedWatch của CME, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lên 0,25% thay vì 0,5%. Công cụ này dự báo có 78,9% xác suất tỷ giá sẽ tăng từ 0 - 25 điểm cơ bản lên 25 - 50 điểm cơ bản và tỷ lệ xác suất 21,1% sẽ tăng từ 0 - 25 điểm cơ bản lên 50 - 75 điểm cơ bản.

Mặc dù giá vàng đã không thể giữ được đà tăng trong tuần trước, nhưng các nhà phân tích vẫn lạc quan cho rằng việc giá vàng rơi khỏi mức cao nhất trong vòng 1,5 năm qua chỉ đơn giản là một đợt chốt lời kỹ thuật. Phần lớn họ nhận định sự sụt giảm gần đây là một tín hiệu cho sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường vàng trong thời gian tới.

Giá vàng thế giới rạng sáng 28-2 (giờ Việt Nam) niêm yết tại Kitco là 1.925,4 USD/ ounce, tương đương khoảng 53 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng trong nước

 Gía vàng trong nước rạng sáng 28-2 không nhiều biến động khi hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý giữ nguyên mức giá giao dịch trong ngày Chủ Nhật. 

Cụ thể, vàng Maritime Bank đang mua vào mức giá 64 triệu đồng/ lượng và bán ra với mức giá cao nhất thị trường là 66,6 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang ở mức 64,55 triệu đồng/ lượng mua vào và 65,77 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại khu vực TP Hồ Chí Minh, vàng SJC đang đang mua vào với giá tương tự như hai khu vực còn lại nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

PNJ vẫn duy trì là đơn vị có giá vàng mua vào và bán ra thấp nhất thị trường. Cụ thể, ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vàng PNJ đang mua vào ở mức 54,6 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 55,35 triệu đồng.  

 
Giá vàng trong nước rạng sáng 28-2 ít biến động.

Rạng sáng 28-2 ghi nhận biến động giá nhẹ ở DOJI và Phú Quý SJC. Cụ thể, DOJI Hà Nội giữ nguyên mức giá của ngày hôm trước là 64,1 triệu đồng mua vào và 65,6 triệu đồng/ lượng bán ra. Trong khi đó, DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều đẩy giá vàng ở đây xuống còn 64 triệu đồng/ lượng mua vào và 65,5 triệu đồng/ lượng bán ra. Vàng Phú Quý SJC giữ nguyên giá mua vào mức 64,3 triệu đồng/ lượng và điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở chiều bán ra xuống còn 65,45 triệu đồng/ lượng.

Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới tăng lên mức 1.925,4 USD/ ounce (tương đương 53 triệu đồng/ lượng), chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã được thu hẹp.       

 Giá vàng trong nước cập nhật 5 giờ 30 sáng 28-2 như sau:

Vàng

Giá mua vào

Giá bán ra

DOJI Hà Nội

64.100.000 VND/ lượng

65.600.000 VND/ lượng

DOJI TP Hồ Chí Minh

64.000.000 VND/ lượng

65.500.000 VND/ lượng

SJC TP Hồ Chí Minh

64.550.000 VND/ lượng

65.750.000 VND/ lượng

SJC Hà Nội

64.550.000 VND/ lượng

65.770.000 VND/ lượng

Phú Qúy SJC

64.300.000 VND/ lượng

65.450.000 VND/ lượng

PNJ Hà Nội

54.600.000 VND/ lượng

55.350.000 VND/ lượng

PNJ TP Hồ Chí Minh

54.600.000 VND/ lượng

55.350.000 VND/ lượng

HJC Hà Nội

64.600.000 VND/ lượng

65.850.000 VND/ lượng