Giá vàng hôm nay 21.5.2025: Tăng vọt hơn 1 triệu đồng, vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh nhờ sự suy yếu của đồng USD
Giá vàng trong nước
Sáng 21.5, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng 1,2 triệu đồng, đưa giá mua lên 118 triệu đồng, bán ra lên 120,5 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng nhẫn 9999 tại HJC tăng 1 triệu đồng khi mua vào 107,20 triệu đồng và bán ra 109,50 triệu đồng.

Vàng nhẫn 9999 tại HJC tăng 1 triệu đồng khi mua vào 107,20 triệu đồng và bán ra 109,50 triệu đồng
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 4h30 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3,280.54 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 1,49 so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (26.333 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 104 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 15,3 triệu đồng/lượng.
Theo Reuters, giá vàng tăng hơn 1% khi đồng USD tiếp tục suy yếu, trong bối cảnh thị trường vẫn bất ổn do chính sách thuế của Mỹ và tình hình ngừng bắn giữa Nga - Ukraine chưa rõ ràng.
Đồng USD tiếp tục mất giá, sau khi đã sụt giảm mạnh vào ngày hôm trước do động thái hạ bậc tín nhiệm của Moody’s đối với xếp hạng nợ công của Mỹ hồi tuần trước. Nguyên nhân chủ yếu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra thận trọng trước các dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế.
Khi đồng USD yếu đi, vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua đang nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó thúc đẩy nhu cầu mua vàng.

Nhận định giá vàng
Trên Kitco, Giám đốc điều hành của JP Morgan - Jamie Dimon hôm 19/2 cảnh báo tác động toàn diện của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được các doanh nghiệp và người tiêu dùng cảm nhận đầy đủ. Theo Jamie Dimon, thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ quay đầu lao dốc.
Và khi chứng khoán Mỹ lao dốc, giá các loại tài sản có độ an toàn cao như vàng có thể tăng mạnh.
Tuy nhiên, một yếu tố có thể gây áp lực mạnh tới vàng, đó là Trung Đông và Ukraine. Căng thẳng địa chính trị tại hai khu vực này nếu hạ nhiệt sẽ kéo giá vàng giảm nhanh chóng. Nga và Ukraine đang đẩy nhanh đàm phán chấm dứt xung đột.
Còn tại Trung Đông, tình hình có dấu hiệu tốt đẹp hơn bao giờ hết sau chuyến thăm của ông Donald Trump. Nhiều khả năng, Trung Đông sẽ trở thành một trung tâm phát triển mới của thế giới, đặc biệt là về công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Về mặt kỹ thuật, ngưỡng kháng cự đầu tiên là mức cao nhất trong tuần này là 3.253 USD/ounce. Mức kháng cự tiếp theo là 3.300 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, mức hỗ trợ đầu tiên là mức thấp nhất hôm 19/2 là 3.207 USD/ounce. Sau đó là ngưỡng hỗ trợ tâm lý 3.200 USD/ounce.
“Thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm và đồng USD suy yếu. Đây đều là những yếu tố đang hỗ trợ tích cực cho toàn bộ nhóm kim loại quý", ông David Meger – Giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures nhận định.
Mới đây, Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức “Aaa” xuống “Aa1” do lo ngại về khoản nợ công ngày càng lớn của nước này. Các quan chức của Fed cho biết họ đang cân nhắc tác động từ quyết định này, cũng như các điều kiện thị trường chưa ổn định, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đầy bất trắc.
Trong thời điểm bất ổn địa chính trị và kinh tế, vàng luôn được xem là tài sản trú ẩn an toàn.
“Giá vàng sẽ dao động trong khoảng từ 3.000 đến 3.500 USD/ounce trong phần còn lại của năm. Tuy nhiên, ngưỡng kháng cự kỹ thuật ngắn hạn quanh mốc 3.270 USD có vẻ khá mạnh, giá đang gặp khó khăn khi vượt qua mốc này”, chuyên gia phân tích Edward Meir của Marex nhận định.
Ông Meger cho biết rằng, căng thẳng đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine tác động mạnh hơn tới các kim loại như bạch kim và palladium. Nếu không đạt được thỏa thuận nào, nguồn cung từ Nga - quốc gia sản xuất palladium lớn nhất và bạch kim lớn thứ hai thế giới có thể sẽ bị gián đoạn.
Liên minh châu Âu và Anh đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga mà không chờ Mỹ tham gia, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng không đạt được cam kết ngừng bắn tại Ukraine.
BTV/St: Th.T