28/02/2023

Giá vàng tăng trở lại sau khi chạm “đáy” 9 tuần

 Giá vàng thế giới nhích tăng do nhu cầu mua nhiều hơn khi kim loại quý này chạm mức đáy 9 tuần. Nhờ vậy, vàng trong nước cũng quay đầu tăng sau nhiều phiên giảm liên tiếp.

 

Sáng nay, sau nhiều phiên giảm liên tiếp, giá vàng trong nước đã có tín hiệu tích cực khi quay đầu tăng nhẹ. Theo đó, vàng SJC được Công ty SJC điều chỉnh tăng 100 nghìn đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với chốt phiên liền trước, lên mức 66,15 - 66,85 triệu đồng/lượng (TP.HCM); 66,15 – 66,87 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Trên thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác cũng tăng nhẹ giá thương hiệu vàng quốc gia, lên mức quanh 66,10 – 66,80 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý HJC giao dịch ở mức 66,3 - 67,35 triệu đồng/lượng . Tăng 600 chiều mua vào và 650 bán ra so với chốt phiên lần trước.

Giá vàng trong nước tăng khi vàng thế giới nhen nhóm tín hiệu tích cực hơn. Trong phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã tăng hơn 6 USD mỗi ounce, lên trên 1.817 USD/ounce. Sang đến phiên sáng nay tại thị trường châu Á, kim loại quý đang tiến dần hơn tới mốc 1.819 USD/ounce.

Giá vàng nhích tăng chủ yếu nhờ nhu cầu mua tăng lên ở vùng giá đáy 9 tuần. Nhiều dự đoán cho rằng kim loại quý này sẽ sớm kiểm tra mức giá sàn trong thời gian tới.

Giá vàng tăng trở lại sau khi chạm “đáy” 9 tuần ảnh 1

Theo Ngân hàng Standard Chartered, nguyên nhân kéo giá vàng đi xuống chính là triển vọng tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, được củng cố bởi nỗi lo lạm phát kéo dài.

Như vậy, với việc 1 trong 3 trụ cột thúc đẩy đà tăng của giá vàng được đưa ra hồi đầu năm – đã suy yếu. Hồi đầu năm, người ta tin rằng Fed sẽ từng bước thu hẹp các bước tăng lãi suất và tiến đến dừng tăng khi lãi suất đạt 5,5% trong năm nay, tuy nhiên, hiện tại nhiều người dự đoán rằng Fed sẽ chỉ dừng chu kỳ thắt chặt của họ khi lãi suất đạt 6%.

Hai trụ cột chính còn lại giúp vàng có thể ngừng bị bán tháo là nhu cầu vật chất mạnh mẽ và sự quan tâm liên tục đến kim loại quý từ các ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, rủi ro là nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc có thể giảm. Trung Quốc đã bổ sung 15 tấn vàng vào dự trữ của ngân hàng trung ương trong tháng 1, thấp hơn mức 62 tấn được báo cáo trong tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.

“Việc mua vàng của khu vực chính thức là một trong những trụ cột chính tạo sức mạnh cho thị trường kim loại quý này vào năm 2022. Việc doanh số mua từ Trung Quốc được báo cáo giảm đi có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến tâm lý thị trường” - Chuyên gia phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered nhận định.

Nhập khẩu vàng ròng của Trung Quốc qua Hồng Kông cũng giảm 47% xuống còn 23 tấn trong tháng 1, theo dữ liệu của Cục Thống kê và Điều tra Hồng Kông.

Trong khi đó, nhu cầu vật chất của Ấn Độ đang suy yếu. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ giảm mạnh 76% xuống còn 11 tấn trong tháng 1 so với một năm trước do giá trong nước tăng và phí nhập khẩu cao hơn.

Ngoài ra, dòng vốn ETF chảy ra tiếp tục đè nặng lên thị trường vàng, đặc biệt là khi nhà đầu tư châu Âu dẫn đầu xu hướng này. Dòng tiền ra đã đạt 20 tấn cho đến tháng 2, với 11 tấn được hiện thực hóa trong 4 phiên vừa qua.

Dù vậy, từ góc độ vĩ mô, Standard Chartered dự kiến Fed có phần “bồ câu” hơn so với những lo ngại của thị trường hiện nay. Theo đó, Ngân hàng này cho rằng Fed sẽ có thêm 2 đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 3 và tháng 5 tới và 1 lần giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Theo đó, mức lãi suất tối đa của Fed được Standard Chartered chỉ ở mức 5,25%, thay vì con số 6,0% như thị trường đang lo ngại.

Do vậy, Ngân hàng này dự đoán vẫn còn một yếu tố khả quan đối với vàng đó là triển vọng của đồng USD vẫn không thay đổi, với dự báo đồng bạc xanh sẽ yếu hơn khi hoạt động kinh tế bắt đầu chậm lại ở Mỹ và Fed tạm dừng chu kỳ thắt chặt vào cuối năm nay.

Ở thông tin khác, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm qua đã mua vào 0,29 tấn vàng, nâng lượng vàng nắm giữ lên 917,61 tấn.